Bạn không đọc nhầm đâu! Phương pháp tưởng chừng cục súc và vô lý này lại rất được việc và có căn cứ khoa học hẳn hoi. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ người Anh Rebecca Roache, chửi thề là một công cụ hữu ích để giúp chúng ta nguôi giận, bởi tâm trí cảm thấy thoải mái khi có thể buông ra những điều cấm kỵ . Đó còn như một chiếc van xả khí, giúp chúng ta xả bớt sức ép thay vì khiến đầu óc nổ tung. Đây thực sự là một phương pháp đơn giản, có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi mà không làm gián đoạn luồng công việc. Dù chỉ là một giải pháp nhất thời, song phương pháp này có thể giúp bạn bình tĩnh lại đôi chút để tập trung giải quyết công việc của mình. Tuy nhiên, bạn nhớ thực hành theo cách lịch sự (chửi thầm thôi!) và có chừng mực nhé, vì chửi thề càng nhiều thì tác dụng xả stress của phương pháp này sẽ càng giảm đi đấy.
Âm thanh luôn có tác động kỳ diệu đến tâm trí chúng ta. Khi giận dữ, căng thẳng, bạn có thể tìm đến những bản nhạc khiến mình cảm thấy an yên. Theo kinh nghiệm cá nhân, thì loại âm nhạc phù hợp nhất trong lúc này chính là nhạc êm ái không lời, nhạc thiền hay các âm thanh mang tính trị liệu như chuông xoay Tây Tạng. Bạn sẽ không bị cuốn theo lời hát, mà được những giai điệu hay thanh âm tinh tế xoa dịu đến từng nơ-ron thần kinh. Hãy cảm nhận và hít thở theo nhịp điệu âm thanh, cơ thể của bạn cũng sẽ điều hòa và cơn giận chẳng mấy chốc mà bốc hơi đi mất.
Khi cơn giận dữ kéo đến, chớ dại ngồi một chỗ mà ôm cục tức. Nếu được, bạn hãy đứng lên làm vài động tác thể dục (đấm, đá cho bõ tức chẳng hạn), phóng tầm mắt ra xung quanh nhìn ngắm thiên nhiên hoặc giao lưu hay “hóng” đồng nghiệp trò chuyện vui vẻ với nhau. Khi vận động, quan sát thiên nhiên và mọi người xung quanh, tâm trí bạn được thư giãn, điều hòa và lấy lại cân bằng. Bạn sẽ nhận thấy cuộc sống bình thường đang diễn ra, cớ sao mình phải ôm lấy nỗi giận dữ vì một sự việc chỉ thoáng qua như vậy.
Dành sự thấu cảm cho người dịch và cả vai trò mà bạn đang đảm nhận.
Trước hết, bạn hãy đặt mình vào vị trí của người dịch, với những sự bối rối và khó khăn khi tiếp cận bài dịch từ đầu. Bạn có thể giả định nguyên nhân khách quan dẫn đến lỗi sai (như hạn chế về tài liệu tham khảo, nguồn thông tin, ngữ cảnh, v.v.) để thấy rằng sai sót cũng có thể xảy ra và bạn không nên cảm thấy tức giận khi phát hiện thấy chúng. Thậm chí, trong thời đại ngày nay, bạn có thể giả định rằng người dịch vì eo hẹp thời gian nên đã dùng công cụ dịch và coi như bạn đang Post Edit nội dung do máy dịch để đỡ bực dọc rằng tại sao con người có thể tạo ra những lỗi như thế này! Nói cho cùng, vai trò của bạn lúc này chính là cải thiện chất lượng bài dịch và bạn nên tự nhắc mình tập trung vào mục tiêu đó thay vì hướng mũi dùi về phía người dịch hay đối tượng nào khác. Như vậy, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn trước mọi bài dịch mà mình tiếp nhận.
Và để nâng cao chất lượng về lâu dài thì không chỉ có bài dịch này. Bạn hãy nghĩ đến lúc mới vào nghề, bản thân bạn cũng có sai lầm nhất định và nhờ có những người đồng nghiệp nghiêm khắc, tận tình chỉ bảo thì mới có bạn của ngày hôm nay. Vậy nên lúc này, bạn có thể thử tự hỏi xem mình muốn là một người editor như thế nào? Chỉ là một editor có những bản dịch chất lượng tốt hay còn là một editor có thể tạo ra những người dịch chất lượng hơn? Nếu bạn hướng đến hình mẫu thứ hai thì mẹo số 5 sau đây cũng sẽ đặc biệt hữu ích với bạn đấy!
Bạn thấy tức ghê vậy đó, nhưng chẳng lẽ chỉ mình bạn gặm nhấm cục tức thôi sao? Bạn hoàn toàn có thể “xả” cục tức này, tuy nhiên không phải bằng cách kêu ca, mà là phản hồi thật khách quan với các bên liên quan. Đây là một cách rất hiệu quả, vừa để bạn cảm thấy được chia sẻ, bớt “ấm ức”, vừa mang lại cảm giác giúp ích và tránh nguy cơ gặp phải tức giận trong tương lai. Trong khi edit, bạn có thể chụp ảnh màn hình và khoanh đỏ ngay những lỗi sai, vừa nhanh gọn, vừa trực quan và không bỏ sót. Nếu bài dịch không yêu cầu phản hồi ngay lập tức (ví dụ như người dịch hiện không tiếp tục dịch nội dung cùng chủ đề) thì sau khi edit xong, bạn có thể tổng hợp tất cả lỗi và phản ánh cho người dịch. Sở dĩ như vậy là để tránh bạn “giận quá mất khôn” mà đưa ra những lời nói không phù hợp, hoặc cũng có trường hợp sau khi chỉnh sửa bao quát cả bài, bạn bỗng thấy người dịch cũng có lý. Bên cạnh đó, nếu cảm thấy cần điều chỉnh ở mức độ cao hơn hoặc tăng cường nhắc nhở thì bạn hãy phản ánh cho cả người điều phối dự án. Họ là người có thể sắp xếp công việc và con người hợp lý hơn để từ đó, gián tiếp nâng cao chất lượng bài dịch và giảm gánh nặng cho bạn ở những lần sau.
Một mẹo nhỏ nữa là để tránh cảm xúc tích tụ, khi edit xong một bài, dù bạn cảm thấy ở mức tốt hay chấp nhận được thì cũng hãy để lại một câu nhận xét nêu ý nghĩ của bạn về chất lượng bài dịch và gửi cho người dịch hoặc người điều phối dự án. Giống như việc rửa dao sau mỗi lần thái một món để không lẫn mùi sang món khác, bạn có thể coi đây là một “nghi thức” để gói ghém bài edit cũng như mọi suy nghĩ và cảm xúc liên quan, để từ đó có một sự bắt đầu mới mẻ, không vướng bận khi bắt tay vào edit bài dịch tiếp theo.
Trên đây chỉ là 5 mẹo ngắn trong số rất nhiều cách có thể giúp chúng ta vượt qua cơn giận khi gặp bài dịch không đạt chất lượng. Có một câu nói rằng: “Tức giận chính là trừng phạt bản thân mình bằng sai lầm của người khác”. Bởi tức giận không mang lại lợi ích gì cho chúng ta, nên rất hy vọng những mẹo trên đây có thể giúp bạn trước hết là vượt qua cơn giận, sau đó là dập tắt cơn giận từ trong trứng nước để thật bình tâm hoàn thành công việc và đạt được mục tiêu cuối cùng, đó chính là mang đến bản dịch có chất lượng cao nhất.