Nếu bạn luôn cảm thấy hoang mang khi nhận các dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và mỗi dự án lại có hướng dẫn, quy định riêng của khách hàng, hãy tìm đến ba nguồn tham khảo sau để quy trình làm việc thuận lợi hơn.
Tham khảo tài nguyên sẵn có
Dù là dự án đã làm cả trăm lần, dù bạn là người phụ trách đến 80% số dự án của khách hàng nọ, thì việc tham khảo các tài nguyên cơ bản như Term Database (TD – bảng thuật ngữ), Translation Memory (TM – bộ nhớ dịch) và Style Guide (hướng dẫn văn phong) luôn giúp bạn đạt sự nhất quán trong cách dịch, đảm bảo yêu cầu tuân thủ. Khi các tài nguyên được duy trì trên không gian trực tuyến thì việc tra cứu lại càng cần thiết vì tài nguyên được cập nhật thường xuyên. Chẳng hạn có một thuật ngữ, hôm qua bạn tra trong TD thấy không dịch, nhưng hôm nay lại thấy có dịch!? Hay tên của một tính năng trước giờ trong TM bạn thấy vẫn dịch, bỗng hôm nay tra thấy khách hàng mới quyết định không dịch!? Hay về quy định cách viết hoa, khách hàng vốn chia 7 trường hợp, nay chuyển sang chia 2 trường hợp!? Nếu hình thành thói quen tra cứu mỗi khi xử lý công việc thì dù có sự thay đổi gì trong tài liệu, bạn vẫn sẽ luôn yên tâm rằng mình đáp ứng tiêu chí tuân thủ. Ngoài tài nguyên được khách hàng cung cấp, còn có tài nguyên mà bạn tự tổng hợp trong quá trình làm việc hoặc được chia sẻ trong nhóm dựa trên phản hồi của khách hàng. Bạn nên tận dụng tối đa những gì thu thập được trong quá trình làm việc, nhưng đừng quên ưu tiên tuân theo hướng dẫn của khách hàng nhé!
Tham khảo dự án trước của cùng khách hàng, dự án của khách hàng cùng lĩnh vực
Đôi khi, các anh chị em ở bộ phận điều phối muốn cho bạn “đổi gió”, “thử thách bản thân”, “làm mới mình”, sắp xếp để bạn xử lý dự án của một khách hàng bạn chưa gặp bao giờ. Bạn đọc thư giao việc xong đã thấy hoang mang lắm rồi. Đã vậy, khách hàng lại không cung cấp tài nguyên, mà tất cả những gì bạn có chỉ là file dịch. Trong những tình huống “lạ nước lạ cái” như vậy, xem các dự án trước kia của khách hàng cũng là một cách để bạn nắm được văn phong, cách viết hoa, cách dịch thuật ngữ, v.v. để đảm bảo tính nhất quán chung. Nếu khách hàng không chỉ mới với bạn mà còn là khách hàng mới của công ty, thì bạn cũng không cần quá lo lắng vì biết đâu khách hàng lạ nhưng lĩnh vực lại vô cùng quen. Biết đâu, bạn hồi hộp mở file ra để “chiến đấu” thì nhận ra rằng bạn đã làm dự án của một hoặc thậm chí nhiều khách hàng trong lĩnh vực đó rồi. Vậy là, bạn có sẵn tài nguyên để tham khảo cũng như những thao tác, kỹ năng được mài giũa qua các dự án trước đó của những khách hàng khác. Bạn yên tâm hơn rồi, đúng không?
Tham khảo ý kiến đồng nghiệp
Trong trường hợp bạn đã mò mẫm khắp nơi nhưng vẫn chưa đủ tự tin xử lý, hãy tìm đến đồng nghiệp, người tham gia những “cuộc chiến” khác bạn nhưng đều hướng đến mục tiêu chung về chất lượng bản dịch. Các đồng nghiệp có kinh nghiệm “chinh chiến” rất đa dạng, lại sẵn sàng mong muốn chia sẻ và tinh thần nhiệt tình giúp đỡ. Có thể họ đã hoặc đang tham gia dự án thuộc lĩnh vực bạn gặp khó khăn, mà trong danh sách thư mục tài khoản khách hàng không ngừng dài thêm của công ty, bạn không thể nào nắm bắt hết được. Hãy tìm đến những nhóm trao đổi về cùng tài khoản, cùng lĩnh vực, hay thậm chí nhóm chat của toàn bộ phận, và mạnh dạn nêu câu hỏi. Tùy từng trường hợp, đồng nghiệp có thể giải đáp trực tiếp thắc mắc đang làm bạn đau đầu hoặc chỉ đường, dẫn lối dựa trên kinh nghiệm để giúp bạn tìm được đáp án cho mình. Bạn cứ hỏi mà đừng ngần ngại chi!
Hi vọng rằng, ba nguồn tham khảo trên đây sẽ giúp bạn yên tâm rằng khi tham gia nhiều mảng, bạn không cô đơn mà luôn có hành trang vững chắc giúp bạn hoàn thành dự án với kết quả hài lòng.