Vậy là sau khi trải qua vài vòng kiểm tra năng lực và phỏng vấn căng thẳng, bạn đã được nhận vào làm việc tại Dr.Localize. Đầu tiên là xin chúc mừng nhé, bạn giỏi lắm đó! Không phải ai cũng có thể vượt qua được bài kiểm tra đầu vào ở đây đâu, điều này hẳn là bạn cũng nhìn ra được sau khi “mướt mồ hôi” đánh vật với mấy đoạn văn trong suốt mấy tiếng đồng hồ, phải không nào? Tuy thế, tâm trạng háo hức trong những giây phút đầu tiên bạn nhập cuộc ở môi trường mới dần bị thế chỗ bằng sự lo lắng khôn nguôi khi phải tiếp nhận quá nhiều thông tin mới mẻ. Sao mà có nhiều công cụ để làm việc quá vậy? Trước khi đến với công ty may ra bạn mới nghe đến và dùng qua Trados, mà bây giờ nào Phrase, nào MemoQ, nào Wordfast, cứ hoa cả mắt lên ấy @_@? Rồi mỗi khách hàng lại đòi hỏi những quy tắc riêng, style guide riêng, thậm chí có cả công cụ kiểm tra chất lượng riêng nữa. Mà trong lúc làm việc, bạn thấy ai cũng chăm chú nhìn vào màn hình, tiếng gõ phím vang lên không ngớt, khiến bạn cảm thấy thật là ái ngại nếu phải hỏi đồng nghiệp vì sợ họ khó chịu khi bị ngắt dòng suy nghĩ. Thật không dễ dàng phải không nào?
Nếu những dòng ở trên phản ánh đúng (tất cả hay phần nào) những tâm tư của bạn trong những ngày bắt đầu giai đoạn thử việc, thì đừng lo lắng gì. Chuyện này rất bình thường mà. Con người ta dễ căng thẳng lo âu trong nhiều tình huống lắm, nhất là khi phải đối mặt với sự thay đổi hay phải làm quen với môi trường mới. Công việc mới mà bạn chưa có kinh nghiệm cũng thế – bạn không cần phải e sợ gì cả, nhưng lo lắng vì điều mà mình chưa hiểu rõ là chuyện thông cảm được. Là một người cũng chỉ mới vào công ty chưa đầy năm, tôi có thể chia sẻ với bạn vài kinh nghiệm của cá nhân mình mà mong rằng bạn sẽ thấy hữu ích trong việc giúp bản thân vượt qua được những e ngại ban đầu nhé.
Đầu tiên, khi đã bước chân vào lĩnh vực mới này, bạn cần xác định rõ tâm lý rằng “bản địa hóa” và “dịch thuật” không đồng nghĩa với nhau. Nắm được sự khác biệt này sẽ giúp bạn có được cái nhìn đúng đắn xuyên suốt quá trình làm việc sau này.
Mặc dù bản địa hóa và dịch thuật có điểm tương đồng, hai khái niệm này vẫn có sự khác biệt rõ ràng. Dịch thuật thường chỉ đơn thuần là sự chuyển đổi nội dung từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ bạn muốn dịch. Mặc dù đây là cách hiệu quả để giúp người đọc hiểu được ngữ cảnh gốc của tài liệu hay tập tin, có một số thuật ngữ và cụm từ sẽ bị mất đi ý nghĩa ban đầu thông qua dịch thuật đơn giản. Trong tình huống giao tiếp nhanh thì đây không hẳn là vấn đề lớn. Tuy nhiên, đối với các tài liệu chuyên nghiệp như hợp đồng, hướng dẫn, tài liệu nghiên cứu, v.v. điều này có thể dẫn đến sự hiểu lầm nghiêm trọng.
Bản địa hóa, mặt khác, lại bao hàm việc chuyển đổi mọi thứ từ ý nghĩa, ngữ pháp cho tới các yếu tố xã hội, đạo đức và văn hóa của ngôn ngữ đích. Điều này đảm bảo rằng người đọc có thể tiếp nhận được ý nghĩa chính xác của nội dung, bất kể là họ đang đọc bằng ngôn ngữ gì. Đây chính là công việc của một chuyên viên có đủ khả năng điều chỉnh, chắt lọc cách dùng từ và cấu trúc câu sao cho thỏa mãn được yêu cầu của đối tượng tại địa phương. Kỹ năng cơ bản nhất của một chuyên viên ngôn ngữ (linguist) là năng lực ngôn ngữ tốt, hiểu rõ văn hóa địa phương, kỹ năng giao tiếp tốt, sự chính xác và chú ý đến tiểu tiết.
Ngoài khác biệt cơ bản được nhắc đến ở trên, còn có rất nhiều điều khác biệt giữa dịch thuật thông thường và bản địa hóa, nhưng bạn còn nhiều thời gian để khám phá và tìm hiểu sau này, hãy bình tĩnh rồi bạn sẽ học được các kinh nghiệm xử lý công việc thôi mà.
Khi mới vào công ty, nhiều khả năng là bạn sẽ thấy khá là “chơi vơi”, lạc lõng và cảm thấy cái gì cũng muốn hỏi, cái gì cũng muốn được giúp đỡ. Nếu bạn may mắn gặp đúng lúc khối lượng công việc chưa cao thì sẽ được trải qua quy trình đào tạo ban đầu đầy đủ, có nhiều cơ hội để đặt câu hỏi và nhận sự trợ giúp. Tuy nhiên, cũng có thể là bạn sẽ phải tham gia gần như ngay lập tức vào quy trình sản xuất và phải tự thân vận động khá nhiều. Những lúc như thế, bạn có thể thấy ngại ngùng khi phải hỏi những người đi trước nếu có điều gì đó bạn chưa rõ, nhưng tốt nhất là bạn nên hỏi càng sớm càng tốt. Nếu cứ im lặng giả vờ rằng mình đã hiểu mọi thứ (nhưng thực tế là chưa), thì bạn sẽ gặp rắc rối to khi về sau mọi người kém nhiệt tình hơn đó. Hãy nhớ, các lead linguist trong công ty đều đã có chục năm kinh nghiệm trong nghề, họ nắm giữ rất nhiều kiến thức cũng như bí quyết cả về nội dung dự án lẫn công cụ. Bạn sẽ phải làm việc trực tiếp với họ rất nhiều sau này, nên trong lúc vẫn còn được nhìn nhận là “lính mới tò te”, hãy tranh thủ hỏi họ thật nhiều để đỡ được biết bao gánh nặng về sau nhé.
Bên cạnh đó, bạn hãy cố gắng nhanh chóng kết bạn với đồng nghiệp trong văn phòng mới để góp phần xua tan căng thẳng và đặc biệt, điều đó sẽ giúp bạn cảm thấy bớt cảm giác đơn độc đấy. Đây là yếu tố tác động rất lớn đến khả năng hòa nhập của bạn trong công việc. Đồng nghiệp mới có thể rất tốt bụng (và đúng thế thật) nhưng hẳn là họ không thể so sánh với những người bạn mà bạn có được từ công việc cũ. Thậm chí trong những tuần đầu và tháng đầu, bạn có khi còn có tâm trạng giống như nhớ nhà nữa cơ. Bạn thấy mình xa lạ giữa một nhóm người hoàn toàn mới, nhất là khi họ đã có mối quan hệ gắn bó với nhau và bạn thấy khó có thể “chen chân” vào khối khăng khít ấy. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa bạn không thể làm bạn với những người này. Mối quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau phải mất một thời gian khá dài để phát triển thật tự nhiên và nếu bạn thấy có phần hơi đơn độc và xa cách vào lúc đầu, điều đó cũng là lẽ thường tình thôi. Vậy nên, dù việc kết bạn có diễn ra chậm chạp, hãy cứ cố gắng kết nối với những con người mới để giảm bớt nỗi lo âu, và cũng là để tăng cường khả năng cộng tác và kỹ năng làm việc nhóm nữa đó. Tất cả đều sẽ giúp bạn làm việc dễ dàng hơn về sau.
Cuối cùng, nghe thì có vẻ hơi không liên quan lắm, nhưng hãy luôn tự tin thể hiện khiếu hài hước của mình nhé. Những linguist khác khi làm việc thì nghiêm túc, đăm chiêu nhưng họ cũng rất hài hước đấy, vì họ cũng cần giải tỏa áp lực sau nhiều giờ liền vật lộn với các dự án mà. Hãy thoải mái dốc ra hết vốn liếng bông đùa “mặn” mà tinh tế của mình, hãy giúp đồng nghiệp có được tràng cười sảng khoái vào những giờ giải lao. Chẳng mấy chốc họ sẽ hào hứng cho bạn “nhập bọn” vào cuộc trò chuyện và từ đó mọi sự cứng nhắc, khô khan trong lúc cộng tác cũng sẽ nhanh chóng biến mất mà thôi.