Tiếng Việt vừa được San Francisco công nhận là ngôn ngữ chính thức, đồng nghĩa với việc thành phố này sẽ phải cung cấp những tài liệu và dịch vụ được dịch sang tiếng Việt. Bên cạnh đó, tài liệu đào tạo nhân viên của 73% công ty toàn cầu đang được bản địa hóa để thúc đẩy kết quả đào tạo và đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Thêm nhu cầu dịch tài liệu và dịch vụ sang tiếng Việt
San Francisco vừa có một quyết định mang tính bước ngoặt khi thêm tiếng Việt vào danh sách ngôn ngữ chính thức. Thay đổi này là kết quả từ những sửa đổi gần đây của thành phố đối với Sắc lệnh tiếp cận ngôn ngữ, trong đó giảm ngưỡng dân số cần thiết để một ngôn ngữ đạt được trạng thái chính thức từ 10.000 xuống 6.000 người. Với 6.791 người nói tiếng Việt có trình độ tiếng Anh hạn chế, tiếng Việt hiện trở thành một trong những ngôn ngữ chính thức của thành phố, cùng với tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung và tiếng Philippines.
Theo quyết định này, thành phố phải cung cấp tài liệu và dịch vụ có hỗ trợ tiếng Việt, trong đó có các thông tin liên lạc quan trọng từ các trang web của thành phố, tài liệu cuộc họp công cộng và các tài liệu cần thiết như hóa đơn từ cơ quan thuế và Ủy ban tiện ích công cộng. Động thái này đảm bảo cộng đồng nói tiếng Việt (vốn giữ vai trò quan trọng ở San Francisco) nhận được thông tin cần thiết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Có thể nói đây là một nỗ lực đáng kể của San Francisco cho sự hòa nhập và thể hiện bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ các cộng đồng nhập cư đa dạng của thành phố. Nhờ việc tiếng Việt được công nhận là ngôn ngữ chính thức, hàng nghìn cư dân sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn với các thông tin và dịch vụ thiết yếu, từ đó thúc đẩy sự gắn kết của người dân và giúp họ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng.
Gia tăng yêu cầu bản địa hóa tài liệu đào tạo nhân viên
Theo nghiên cứu của công ty bản địa hóa RWS, gần 3/4 (73%) doanh nghiệp toàn cầu hiện đang bản địa hóa nội dung cho nhân viên. Các chuyên gia về học tập và phát triển (L&D) ngày càng nhận thức được lợi ích của việc bản địa hóa nội dung đào tạo của họ. Một tin tức đáng mừng là một nửa (50%) số công ty kỳ vọng sẽ bản địa hóa nhiều nội dung đào tạo hơn nữa trong 12 tháng tới nhằm mang lại trải nghiệm học tập hấp dẫn hơn, tăng tỷ lệ hoàn thành khóa đào tạo và cải thiện hiệu suất công việc.
Báo cáo “Học tập xuyên biên giới” của RWS đã khảo sát hơn 300 giám đốc L&D tại các doanh nghiệp lớn ở Mỹ, Châu Âu và Châu Úc, khám phá các cách tiếp cận khác nhau mà các doanh nghiệp đang thực hiện trong chiến lược học tập trực tuyến của họ.
Nghiên cứu cũng cho thấy, mặc dù doanh nghiệp sẵn sàng bản địa hóa nội dung nhưng việc kết hợp các sắc thái văn hóa địa phương vẫn là thách thức lớn trong quá trình này. Kết quả là phần lớn các công ty (57%) kết hợp sử dụng cả các chuyên gia ngôn ngữ và dịch máy để đảm bảo nội dung chính xác, phù hợp về mặt văn hóa và hiệu quả.
Một trong những lý do hàng đầu thúc đẩy các doanh nghiệp bản địa hóa nội dung đào tạo là họ muốn nâng cao kết quả đào tạo thông qua chương trình đào tạo được cá nhân hóa hơn, từ đó mang lại cho doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh.
Như vậy, nhu cầu dịch tài liệu và dịch vụ sang tiếng Việt vẫn tiếp tục gia tăng ở nhiều lĩnh vực và khu vực, hứa hẹn mang đến lợi ích chiến lược cho các công ty bản địa hóa và sự tham gia tích cực hơn từ cộng đồng dịch giả.