Trải qua hơn 10 năm trong nghề bản địa hóa, tôi đã có cơ hội trải nghiệm rất nhiều công nghệ dịch hiện đại. Tôi đã từng bước nắm bắt và làm chủ được vô số công cụ dịch, từ đó có thể làm việc thông minh hơn, hiệu quả hơn. Những chia sẻ dưới đây của tôi hy vọng sẽ giúp các bạn tìm ra cách nhanh chóng thành thạo các công cụ hữu ích đó.
Cuộc sống luôn ngập tràn những điều bất ngờ và đối với tôi, cuộc chạm trán với các công cụ dịch thuật là một trong số đó. Tôi biết đến công việc dịch thuật khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, làm cộng tác viên cho Trung tâm Công nghệ cao của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Lúc đó (năm 2005), công cụ tiên tiến nhất mà tôi dùng để dịch bài là MS Word. Mọi thứ đều vô cùng thủ công và mất thời gian với những cuốn sách dày cả vài trăm trang.
Khi ra trường, tôi bắt đầu đi làm ở một vài công ty nhưng đều mau chóng chuyển việc. Cơ duyên với ngành dịch thuật tìm đến khi một người bạn rủ tôi đi phỏng vấn cùng ở một công ty bản địa hóa và đó cũng là lần đầu tiên tôi biết đến các khái niệm Công cụ dịch thuật, Bộ nhớ dịch (TM), Termbase, v.v. Tất cả đều vô cùng mới mẻ với tôi dù tôi học chuyên ngành Tiếng Anh kỹ thuật. Bộ công cụ đầu tiên mà tôi được làm quen là WordFast tích hợp trong MS Word. Wow, quả đúng là amazing “gút chóp” khi nhờ công cụ này mà tốc độ làm việc của tôi tăng lên thấy rõ. Sau WordFast, tôi được học thêm về TagEditor, SDLX, rồi Xbench, QADistiller cùng vô số những công cụ khác. Nói là học vậy nhưng thực ra, không có ai đào tạo cho tôi về các công cụ này. Lứa chúng tôi phải tự mày mò, tìm hiểu từng chức năng, phím tắt hay cách sửa lỗi. Chúng tôi học lẫn nhau và học trong tài liệu hướng dẫn của công cụ. Cũng nhờ điều đó mà chúng tôi hiểu công cụ hơn và sử dụng thành thạo hơn.
Trải qua hơn 10 năm trong nghề, tôi đã có cơ hội trải nghiệm rất nhiều công nghệ dịch hiện đại: Trados Studio, Idiom Workbench, Smartcat, memoQ, Phrase, các công cụ trực tuyến, v.v. Tất cả đều rất hiện đại, nhiều chức năng và mang đến vô vàn lợi ích cho người dịch khi họ không còn phải mò mẫm từng dòng để tìm lại từ đã dịch. Nhờ công cụ, độ nhất quán và sự tuân thủ được đảm bảo trong khi người dịch không phải mất nhiều công sức.
Để phát huy tối đa sức mạnh của các công cụ dịch, tôi luôn tìm cách tích hợp mọi tài nguyên vào trong đó để có thể tra cứu tiện lợi và dễ dàng hơn, chẳng hạn chuyển tệp thuật ngữ dạng Excel của khách hàng thành định dạng có thể tích hợp vào Trados Studio để có thể tra cứu ngay khi đang làm. Với những dự án lớn, tôi luôn tạo một TM riêng trên máy tính của mình để lưu lại mọi nội dung tôi đã làm. Tôi sẽ dùng song song cả TM riêng và TM của dự án để vừa tăng năng suất vừa đảm bảo chất lượng bản dịch.
Trước kia, mỗi khi công cụ gặp lỗi, tôi thường nhờ người giúp đỡ. Việc đó khiến công việc bị ảnh hưởng do phải chờ đợi và tôi cũng không học hỏi được gì nhiều. Đó cũng là lúc tôi nhận ra mình chưa khai thác hết sức mạnh của Internet. Và thế là những lần gặp sự cố sau đó, tôi đã chủ động tìm kiếm thông tin trên mạng và tự mình sửa lỗi. Mỗi lần như vậy, tôi cảm thấy mình thật xuất sắc và càng hào hứng hơn với công việc, như thể mình có thể làm mọi thứ vậy.
Vào những lúc rảnh rỗi, tôi cũng hay mò mẫm vào từng menu, từng tùy chọn trong giao diện của các công cụ dịch để tìm hiểu thêm. Ban đầu, tôi nghĩ rằng mọi thứ xuất hiện trên công cụ, từ phông chữ, phím tắt đến các chức năng, đều là những giá trị bất biến, không thể thay đổi được. Nhưng khi biết rằng mình hoàn toàn có thể tùy chỉnh hầu như mọi cài đặt của công cụ, tôi trở nên cực kỳ thích thú. Trí tò mò trong tôi trỗi dậy và tôi tìm đến từng ngóc ngách trong công cụ để thay đổi cho phù hợp với bản thân.
Cảm giác khi hiểu rõ và làm chủ được một thứ gì đó quả thật rất tuyệt vời. Tôi tin rằng với tài năng và sự ham hiểu biết vốn có, các bạn cũng sẽ làm chủ được thật nhiều công cụ dịch để làm việc thông minh hơn, hiệu quả hơn!