Trong ngành dịch thuật, bản địa hóa, vấn đề thường xuyên được bàn luận và gây đau đầu nhất chính là chất lượng. Với xu hướng ứng dụng AI trong dịch thuật hiện nay, các chuyên viên ngôn ngữ có rất nhiều tâm tư, trăn trở về công việc của họ. Hãy cùng chúng tôi đến với góc nhìn của một chuyên gia ngôn ngữ qua 2 bài viết mà chúng tôi đã lược dịch sau đây.
Chất lượng có quan trọng không???
Tôi đã làm việc trong lĩnh vực quản lý chất lượng và xây dựng thuật ngữ vào những năm đầu của sự nghiệp. Công việc của tôi là kiểm tra các bản dịch, tìm lỗi dịch như lỗi không thống nhất, lỗi bố cục, nội dung chưa dịch, ngày tháng và số liệu không chính xác, v.v. Phải nói rằng, đôi mắt của tôi rất nhạy với các vấn đề về chất lượng sau những ngày dài làm kiểu công việc này, bằng chứng là tôi có khả năng phát hiện lỗi ở cả những ngôn ngữ mà tôi không biết, dù có lúc chỉ vô tình lướt qua.
Có những người có thể dành cả ngày để tìm tất cả lỗi trong bản dịch nhưng cũng có người chọn giải quyết các vấn đề lớn hơn, đó là các lỗi mà người khác dễ dàng nhận thấy. Họ chọn bỏ qua một số lỗi nhỏ như sự không nhất quán, sự khác biệt về văn phong, về cách lựa chọn từ ngữ. Bởi vì theo họ, nếu người đọc có thể hiểu được nội dung thì những vấn đề nhỏ nhặt đó có thực sự quan trọng không?
Các lỗi nhỏ nhặt xuất hiện ở khắp mọi nơi, một khi bạn đã để ý đến chúng, bạn có thể lãng phí hàng giờ ngồi sửa và việc này sẽ không bao giờ dừng lại. Giống như việc lau bụi. Luôn có bụi – một khi bạn lau xong chỗ này, bạn lại thấy chỗ khác phủ đầy bụi. Bạn có thể dành cả đời để lau bụi, nhưng những hạt bụi nhỏ bé không thể tránh khỏi sẽ luôn hiện diện. Bạn có thể lo lắng về bụi hoặc bạn có thể chọn xử lý nguồn gốc của bụi (như chuyển nhà về ngoại ô, tránh xa mặt đường lớn), hoặc bạn có thể đầu tư vào các biện pháp phòng ngừa (như mua máy hút bụi tự động). Chắc chắn bụi sẽ xuất hiện, nhưng có thể sẽ ít hơn và bạn sẽ đỡ phí phạm thời gian cho công việc lau chùi vô nghĩa này. Tại sao lại phải lãng phí thời gian lau bụi trong khi vẫn còn đó những vấn đề lớn hơn có thể phá hủy cả ngôi nhà của bạn? Bạn có những việc quan trọng hơn cần phải làm.
Ngoài những vấn đề về lỗi nhỏ do con người tạo ra, chúng ta còn phải đối diện với lỗi dịch máy khi bước vào kỷ nguyên AI, liệu rằng các vấn đề về chất lượng sẽ tăng lên đến mức không thể làm ngơ? Các công ty ngày càng dựa vào dịch máy mà không có sự tham gia của con người, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng và trải nghiệm bản địa hóa. Chúng ta đều biết dịch máy giúp tiết kiệm chi phí dịch thuật nhưng chúng ta có ước tính được chi phí khắc phục phải bỏ ra là bao nhiêu khi xuất bản nội dung chất lượng kém? Chất lượng dịch thấp sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của khách hàng về sản phẩm và thương hiệu như thế nào? Sự không nhất quán trong bản dịch sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng đến mức nào? Liệu nội dung vô nghĩa hoặc ngờ nghệch có làm tăng tỷ lệ hoàn hàng không? Những vấn đề về chất lượng này thực sự có quan trọng không?
Một phần tôi tin rằng chất lượng luôn quan trọng. Tôi sẽ không bao giờ sử dụng thuật ngữ không nhất quán trong bản dịch. Tôi sẽ không bao giờ dịch một nút được gắn nhãn “Cài đặt” là “Cấu hình” ở một phần khác của cùng một ứng dụng. Tôi sẽ không bao giờ mắc lỗi chính tả hoặc sai về cách viết hoa hay dấu câu (đáng tiếc là, tôi đã từng gặp lỗi này (rất nhiều lần) trong các bài dịch ở công ty tôi). Tôi sẽ không bao giờ cho phép bản dịch của mình vượt ngoài giới hạn ký tự hoặc tràn lề.
Một phần tôi tin rằng chất lượng luôn quan trọng. Tôi sẽ không bao giờ sử dụng thuật ngữ không nhất quán trong bản dịch. Tôi sẽ không bao giờ dịch một nút được gắn nhãn “Cài đặt” là “Cấu hình” ở một phần khác của cùng một ứng dụng. Tôi sẽ không bao giờ mắc lỗi chính tả hoặc sai về cách viết hoa hay dấu câu (đáng tiếc là, tôi đã từng gặp lỗi này (rất nhiều lần) trong các bài dịch ở công ty tôi). Tôi sẽ không bao giờ cho phép bản dịch của mình vượt ngoài giới hạn ký tự hoặc tràn lề.
Tôi không muốn thương hiệu và sản phẩm của mình được mô tả là “cẩu thả” hoặc “vô nghĩa”. Tôi không muốn bản dịch của mình chỉ dừng lại ở “có thể sử dụng được”. Tôi luôn muốn người đọc, khách hàng, người sử dụng bản dịch của tôi có cảm xúc tích cực khi nhận được bản dịch. Điều đó chỉ trở thành hiện thực khi bản dịch có chất lượng cao.
Mặt khác, một phần trong tôi lại cho rằng chất lượng không còn quan trọng trong ngành bản địa hóa nữa. Mọi người đã quá quen với các bản dịch máy đến mức họ thậm chí không còn nhận thấy bản dịch tệ nữa. Mọi người cũng quá quen với việc sử dụng các ứng dụng chưa được bản địa hóa đến mức bất kỳ ngôn ngữ nào cũng tốt, miễn là nó có thể hiểu được. Chúng ta đang ở thời điểm mà sản phẩm do máy dịch đủ tốt vì chẳng ai mong đợi gì hơn nữa. Đến một lúc nào đó, bản dịch của máy sẽ được ưu tiên hơn bản dịch của con người. Chúng ta có nên lãng phí thời gian để xem xét và tinh chỉnh bản dịch máy không? Chúng ta có nên lãng phí thời gian vào chất lượng ngôn ngữ cơ bản không?
Những người bạn biết nhiều ngôn ngữ của tôi đều cho rằng chất lượng dịch máy hiện rất ổn rồi. Hầu hết các nhà dịch thuật chuyên nghiệp và những người làm việc trong lĩnh vực bản địa hóa thì ngược lại. Thực tế là hầu hết mọi người sẽ nói rằng dịch máy ổn vì có thể hiểu được. Đôi khi ngay cả tôi cũng tự thuyết phục mình rằng bản dịch máy khá tốt và những tiêu chí về chất lượng mà tôi đã theo đuổi nhiều năm qua không còn quan trọng chút nào.
Nhưng cuối cùng, tôi biết rằng sự cầu toàn, khắt khe trong công việc vẫn thật quan trọng. Bạn sẽ thấy không có vấn đề gì nếu chỉ một cửa sổ nhỏ trong tầng hầm của ngôi nhà bị vỡ, nhưng nếu hầu hết các cửa sổ bị vỡ thì tình trạng của ngôi nhà sẽ thay đổi và giá trị tài sản của bạn sẽ giảm. Mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy điều đó. Mặc dù, trừ khuyết điểm cửa sổ bị vỡ, ngôi nhà có thể vẫn rất đẹp ở các điểm khác – thiết kế tuyệt vời, nội thất rộng rãi, đầy đủ tiện nghi – nhưng mọi người sẽ chỉ thấy những cửa sổ bị vỡ. Ấn tượng là ngôi nhà đang xuống cấp. Và ấn tượng đó rất khó thay đổi (đặc biệt là khi bạn bị bao quanh bởi hàng chục ngôi nhà không có cửa sổ bị vỡ).
Đây là cách tôi nhìn nhận chất lượng trong ngành bản địa hóa. Bạn không muốn một bản dịch đầy lỗi, vụng về và không nhất quán. Bạn chỉ có một giây để tạo ấn tượng tốt. ĐỦ TỐT cũng vẫn CHƯA ĐỦ. Ngay cả khi bản dịch có thể hiểu được, bạn có thể không truyền đạt được thông điệp cốt lõi. Mọi người sẽ không cảm thấy như bạn đang thực sự nói chuyện với họ. Họ sẽ biết đó là bản dịch máy. Họ sẽ biết rằng bạn đã không chăm chút đủ kỹ lưỡng để dành tặng sản phẩm đó cho chính họ. Điều này sẽ đi vào tâm trí và trái tim của họ một cách có ý thức hoặc vô thức. Và đây chính là ấn tượng mà một lượng lớn khách hàng tiềm năng sẽ truyền bá về thương hiệu của bạn khi họ nói chuyện với người khác.
Chắc chắn là nếu tôi được chọn không làm công việc liên quan đến đảm bảo chất lượng, tôi nhất định sẽ chọn không làm. Đó thực sự là phần công việc mà tôi ghét nhất vì nỗ lực tôi bỏ ra không được người khác trân trọng và thực sự tẻ nhạt (chưa kể đến việc hầu hết mọi người trong công ty sẽ không bao giờ nhận thấy vì họ không thực sự để ý đến điều này). Nhưng với tư cách là một chuyên viên bản địa hóa, tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ cung cấp dịch vụ có chất lượng cao cho khách hàng. Trách nhiệm của tôi là đảm bảo rằng ấn tượng đầu tiên là ấn tượng tốt nhất và để làm được điều đó, bí quyết chính là để ý đến từng chi tiết nhỏ.
Tôi biết chúng ta đều có thể đã nghe câu này hàng nghìn lần trong đời: “Bản dịch này tệ!” (hoặc một câu đại loại thế). Tôi thừa nhận rằng câu này luôn khiến tôi sôi máu không phải vì tôi không thể chấp nhận bị phê bình, mà vì đó không phải là lời góp ý tích cực.
Hãy cho tôi ví dụ. Chỉ ra điều gì là “tệ”. Nói cho tôi biết nên thay thế bằng thuật ngữ nào. Đề xuất một bản dịch tốt hơn và giải thích tại sao nó tốt hơn bản hiện tại. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bản dịch! Đừng chỉ nói rằng nó “tệ.”
Theo kinh nghiệm của tôi, những người nói như vậy hiếm khi làm bất cứ điều gì để cải thiện tình hình. Họ chẳng mấy khi có một cuộc trò chuyện chân thành với chúng tôi để cố gắng hiểu sự phức tạp của việc dịch hay cố gắng khắc phục vấn đề. Họ ngồi đó và phàn nàn về quy trình dịch thuật của chúng tôi. Đó là kiểu phản hồi tệ nhất.
Vấn đề là nhiều lần họ hiếm khi đưa ra được giải pháp khắc phục (vì dịch thuật là một kỹ năng). Ngay khi nhận được bản dịch họ đã đánh giá rằng bản dịch này không tốt, không tự nhiên và vụng về. Họ đã có sẵn định kiến về người dịch và bản dịch, kết quả phản hồi của họ thể hiện rõ điều này. Nếu họ có đề xuất thay đổi thì thường những thay đổi đó thiên về lỗi văn phong, chẳng hạn như thay đổi một tính từ hoặc trật tự của một mệnh đề. Đôi khi, họ sẽ chọn một từ khác. Đây thường là những lựa chọn mang tính chủ quan (mặc dù tôi đã nghe nhiều người tranh cãi rằng đó không phải là chủ quan). Nói chung, phiên bản gốc có thể hiểu được và không chứa lỗi ngôn ngữ nghiêm trọng.
Để tôi đưa ra một ví dụ không liên quan đến dịch thuật. Qua trang web này, tôi cố gắng duy trì thói quen viết và không dành quá nhiều thời gian chỉnh sửa. Mặc dù vậy, đôi khi tôi cũng đọc lại những gì mình viết và thật buồn cười, tôi bắt gặp một số cụm từ lạ lùng, vụng về mà do chính tôi viết ra. Chẳng hạn:
Một số người sẽ tranh luận rằng “hàng ngày” không đúng trong trường hợp này, phải là “hằng ngày” mới đúng, số khác thì cho rằng người ta đã quen với từ “hàng ngày” rồi và phải dùng theo số đông dù số đông đó chưa chắc đã đúng. Số khác nữa thì có khi chỉ đơn giản nói là “Bài viết này DỞ TỆ vì có lỗi chính tả!”.
Sự thật là điều đó không quan trọng. Đừng nhầm lẫn sự khác biệt về quan điểm với chất lượng tổng thể của công việc. Như chúng ta đều biết, ngôn ngữ mang tính chủ quan. Nếu một người thấy bản dịch tuyệt vời còn người khác lại cho rằng bản dịch tệ hại, làm sao bạn có thể đo lường chính xác chất lượng?
Trong ngành bản địa hóa, chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian xử lý các phản hồi không mong muốn về chất lượng, chính vì thế các tiêu chí để giúp đánh giá chất lượng ngôn ngữ đã được lập nên với tên gọi LQA (Language Quality Assurance – Đảm bảo chất lượng ngôn ngữ). Văn bản dịch được đánh giá thường xuyên về chất lượng, phản hồi về chất lượng được xếp hạng theo các tiêu chí khác nhau như Terminology (Thuật ngữ), Accuracy (Độ chính xác), Locale convention (Quy ước ngôn ngữ), Style (Văn phong), Audience appropriateness (Sự phù hợp với đối tượng đọc) và cả Design & Layout (Thiết kế & bố cục). Sau đó, mỗi lỗi sẽ được gán điểm chất lượng, nếu điểm của bài dịch dưới ngưỡng nhất định, người dịch sẽ phải làm báo cáo phân tích nguyên nhân vì sao có lỗi và sửa lại bài dịch sao cho đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng hoặc người đánh giá.
Thông qua LQA, chúng tôi có thể đánh giá chất lượng tổng thể thông qua loại lỗi, mức độ lỗi và nhận xét về bản dịch từ người đánh giá. Một câu dịch sai được coi là một lỗi lớn, trong khi thay đổi về cách diễn đạt hay văn phong được coi là một lỗi nhỏ. Dựa trên phản hồi, chúng tôi đưa những câu dịch đã sửa vào cơ sở dữ liệu để lưu lại cách dịch mà nhãn hàng hoặc người đánh giá ưa thích, nhờ đó cải thiện chất lượng dịch. Nếu chúng tôi sử dụng dịch máy, chúng tôi có thể huấn luyện các công cụ dịch dựa trên cơ sở dữ liệu đã được phê duyệt.
LQA thường khá hữu ích trong việc xác định và loại bỏ lỗi, đảm bảo bản dịch tuân thủ các hướng dẫn, nội dung gốc và không có bất kỳ lỗi ngôn ngữ lớn nào. Vì vậy, ở một mức độ cơ bản, các tiêu chí sau đây được đáp ứng:
Nhưng tôi biết bạn đều đang hỏi… còn những lỗi thuộc về chủ quan thì sao? Như văn phong hay cách diễn đạt chẳng hạn?
Vấn đề này thực sự nan giải, tôi đã tạo ra các hướng dẫn chi tiết về văn phong và khuyến khích người khác đóng góp nhưng vẫn không thể giải quyết triệt để. Việc đưa người có kinh nghiệm sử dụng sản phẩm vào quy trình dịch vẫn không tránh khỏi các phàn nàn về chất lượng. Hay như bản dịch do người trong đội ngũ marketing kiểm tra nhưng vẫn bị chê là dịch chưa đúng. Tôi cũng đã tổ chức các buổi họp đánh giá với những chuyên viên hiệu đính nội bộ nhưng kết quả là giữa họ cũng khó đạt được sự đồng thuận. Thực tế là chúng tôi nhiều lần gặp phải tình huống sửa bản dịch theo yêu cầu của người đánh giá, nhưng khi khách hàng đổi sang người đánh giá khác thì bản sửa đó lại bị sửa lại, có lúc lại quay về chính cách dịch mà chúng tôi cung cấp lúc đầu.
Cũng nhiều lần tôi nhận được yêu cầu “Chúng tôi không cần biên dịch viên, chúng tôi cần copywriter”, nhưng bạn biết đấy, nếu chúng ta triển khai từ văn bản ở một ngôn ngữ gốc thì kể cả copywriter cũng sẽ chỉ có thể dịch ra, bởi copywriter là người tự sáng tạo nội dung dựa trên chủ đề chứ không phải dựa trên một văn bản gốc. Vì thế, chúng ta không thể đòi hỏi người dịch phải sáng tạo một nội dung hoàn toàn mới mẻ khi phải dựa trên nguyên mẫu. Dịch sáng tạo dựa trên nguyên mẫu thực sự còn khó hơn cả sáng tạo nội dung hoàn toàn mới.
Để giải quyết vấn đề về chất lượng, tôi nghĩ nên có 1-2 chuyên viên bản địa có kinh nghiệm làm mảng dịch marketing, họ sẽ xác định giọng điệu, văn phong và đảm bảo nội dung dịch tuân thủ các yêu cầu này. Ngoài ra, có thêm một người đọc lại bản dịch trước khi gửi đi sẽ giúp xác định các lỗi về diễn đạt, những câu dịch ngô nghê hay kiểm tra xem sự liên kết của cả bài có chặt chẽ không cũng giúp cho bản dịch hoàn thiện hơn. Ở bước này, người đọc bản dịch không cần phải so sánh với nội dung gốc nữa, họ thậm chí cũng chẳng cần biết mình đang đọc một bản dịch, hãy cứ để họ thực hiện công việc như đọc một bài viết vậy. Nhiệm vụ của họ ở khâu này là đảm bảo sự trôi chảy, tự nhiên, nhịp điệu và tính rõ ràng của bài viết, liệu bài viết có hay không, có dễ hiểu không, có logic không? Chỉ vậy thôi!!!
Nhưng thật lòng mà nói, ngay cả với một quy trình chặt chẽ, bạn vẫn có thể nhận được phàn nàn. Sẽ luôn có sự thiên vị khi nói đến điều gì là tốt và tệ. Ngôn ngữ là một phạm trù đặc biệt chủ quan, nhưng không phải lúc nào cũng là về ngôn ngữ mà là về những định kiến có sẵn: ai là chuyên gia về ngôn ngữ và ai có quyền lực hơn. Và trong ngành bản địa hóa, người đánh giá (reviewer) là người nắm trong tay quyền lực này.
Cuối cùng, khi nói đến ngôn ngữ, không phải lúc nào cũng có “đúng” hay “sai,” “tốt” hay “tệ”. Lời khuyên duy nhất của tôi là hãy xem xét những gì người khác nhận xét một cách cẩn trọng, xây dựng quy trình làm việc của bạn một cách hợp lý và bền vững. Chắc chắn, quy trình đó sẽ không hoàn hảo, sẽ vẫn có lúc bạn dịch không tốt (điều này xảy ra với cả những người giỏi nhất), nhưng đó không phải là ngày tận thế. Hãy sửa lỗi và bước tiếp. Bảo vệ bản thân và công việc của bạn nhưng đừng đổ quá nhiều năng lượng vào đó. Và cuối cùng, đừng để một vài người lớn tiếng la hét “bản dịch tệ” định nghĩa công việc của bạn.