Ngành bản địa hóa với nhiều điều thú vị và hứa hẹn những tiềm năng to lớn thu hút đông đảo nhân lực tham gia, đặc biệt là các cộng tác viên. Vậy làm thế nào để đặt những bước chân đầu tiên và sau đó tiến những bước xa, bước dài hơn trong ngành trong vai trò này? Người quản lý cộng tác viên của chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn một vài bí quyết hữu ích.
Theo thống kê của ngành bản địa hóa, hiện nay số lượng cộng tác viên tự do (freelancer) là khoảng 650.000 người, con số này sẽ tăng nhanh trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, cho phép người lao động làm việc linh hoạt ở bất kỳ nơi đâu. Họ có thể là các nhà ngôn ngữ học, biên dịch viên, phiên dịch viên, các chuyên gia bản địa hóa ở khắp nơi trên thế giới. Họ cũng có thể là các chuyên gia, chuyên viên của rất nhiều ngành khác nhau như y tế, kỹ thuật, công nghệ thông tin, kinh tế, giáo dục, v.v… có khả năng sử dụng thành thạo từ hai ngôn ngữ trở lên, có vốn kiến thức chuyên ngành uyên thâm để làm một SME (Subject Matter Expert). Đây quả là một lực lượng đông đảo phải không các bạn?
Nhiệm vụ của một VM (Vendor Manager – Người quản lý cộng tác viên) là kết nối, xây dựng và duy trì mối quan hệ hợp tác với lực lượng cộng tác viên hùng mạnh ấy. Tôi đã không ít lần sửng sốt và nể phục khi nhận được email mong muốn hợp tác của các bác cộng tác viên người Nhật với năm sinh trên Resumé là những năm 50 của thế kỷ trước!!! Điều ngạc nhiên hơn nữa là các bác rành công cụ CAT lắm luôn! Chưa hết, các bác còn là những người tao nhã với sở thích là yêu ca hát, piano và làm thơ. Rồi lại có những cộng tác viên tiếng Tagalog của Philippines trẻ măng mà đã hợp tác với biết bao công ty LSP trong ngành, làm đa dạng các dịch vụ và nội dung chuyên ngành, lúc nào cũng hồ hởi mong nhận dự án, lúc nào cũng thấy các bạn “xanh đèn” trên Skype! Hay như các bạn cộng tác viên Tok Pisin ở Papua New Guinea dốc lòng dốc sức phát triển ngôn ngữ của dân tộc mình, vừa chăm chỉ làm việc, vừa chung tay xây dựng từ điển English – TokPisin cho cộng đồng. Có những bạn cộng tác viên tiếng hiếm như tiếng Zomi của Myanmar, dù đang ở trại tị nạn bên Thái Lan, cũng tìm mọi cách để làm việc, tranh thủ từng chút ít thời gian có mạng internet để kết nối. Có bác cộng tác viên phiên dịch viên người Việt, dù tuổi đã ngoài 60 mà vẫn rất “đỉnh”, bác đi phiên dịch khắp đó đây, uy tín và kinh nghiệm ngày càng dày lên. Và bác có một bí kíp thần thánh để “keep fit” – đó là bơi lội vào mỗi sáng. Và nhiều nhiều những con người thú vị khác nữa các bạn ạ. Sau khi trở thành cộng tác viên của Dr.Localize, các bạn ấy cũng trở thành bạn của cả team HR và PMC. Bạn nào có dịp tới Hà Nội cũng thu xếp đến thăm văn phòng Dr.Localize để gặp trực tiếp “đối tác” vẫn làm việc online bấy lâu!!!.
Bạn có biết VM có thể tìm được những cộng tác viên “sáng giá” này bằng cách nào không? Cũng như các ngành khác, bản địa hóa có những trang ngành riêng, các diễn đàn chuyên nghiệp như Proz.com, TranslationDirectory, TranslatorCafe, Linguist Café…. Đây chính là nơi hội tụ của cả các bậc chuyên gia và các bạn mới bước chân vào nghề. Ngoài ra còn có LinkedIn, Upwork, Freelancers… là các nền tảng kết nối việc làm hiệu quả. Profile của cộng tác viên trên các trang này chính là nguồn thông tin để VM tìm được đúng người cho đúng việc.
Sau khi đã đạt ở vòng kiểm tra và chính thức được nhận vào làm cộng tác viên, bạn làm thế nào để ghi điểm và tích điểm uy tín trong quá trình làm việc?
Ngay cả khi đã gửi trả file dịch, bạn cũng cần luôn chuẩn bị sẵn tinh thần và mang đến dịch vụ “hậu mãi” chuyên nghiệp. Sản phẩm bản địa hóa cũng giống như các sản phẩm hữu hình khác, cũng cần được bảo hành và cập nhật. Khách hàng sẽ kiểm định sản phẩm để kiểm tra chất lượng, khi thấy lỗi họ sẽ báo lỗi và yêu cầu bạn sửa nếu đó là lỗi, phản biện nếu đó là lỗi giả. Khách hàng có thể sẽ cập nhật bản gốc và cần bạn cập nhật bản dịch. Sự hỗ trợ nhanh chóng, nhiệt tình của bạn sẽ làm khách hàng an tâm, và chắc chắn là ghi được điểm uy tín lớn. Bạn làm việc càng có tâm thì càng nâng tầm chuyên nghiệp.
Trên đây là một vài chia sẻ của VM để bạn có được cái nhìn rõ ràng hơn khi gia nhập ngành bản địa hóa với vai trò CTV và có thể tự mình vạch ra con đường riêng để tiến xa hơn trong lộ trình sự nghiệp của mình.